Bản án có hiệu lực khi nào?
1. Bản án là gì?
Bản án là văn bản ghi nhận phán quyết của Tòa án sau khi xét xử một vụ án. Bản án đánh dấu sự kết thúc toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử cho nên nội dung của nó phải phản ánh những kết quả của phiên tòa và ý kiến phân tích, đánh giá của hội đồng xét xử. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có nhiệm vụ viết bản án.
2. Bản án có hiệu lực khi nào?
3.1. Bản án dân sự
- Đối với bản án dân sự sơ thẩm:
+Theo khoản 2 Điều 282 Bộ luật tố tụng dân sự 2015: “2. Bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc những phần bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.”
+Về thời hạn kháng cáo, theo quy định tại khoản 1 điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự: “1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
+Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.”
+Về thời hạn kháng nghị, theo khoản 1 điều 280 quy định: “1. Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án.”
+Như vậy, đối với bản án dân sự sơ thẩm, sau thời hạn kháng cáo/kháng nghị là 30 ngày mà không có kháng cáo/kháng nghị thì bản án sẽ có hiệu lực pháp luật.
- Đối với bản án dân sự phúc thẩm, theo khoảng 6 Điều 313 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, bản án phúc thẩm sẽ có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
3.2. Bản án hình sự
- Đối với bản án hình sự sơ thẩm:
+Theo Điều 343 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
+Về thời hạn kháng cáo, khoản 1 Điều 333 BLTTHS có quy định: “1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.”
+Về thời hạn kháng nghị, khoản 1 Điều 337 BLTTHS có quy định: “1. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày Tòa án tuyên án.”
+Như vậy, tương tự như bản án dân sự sơ thẩm, sau thời hạn kháng cáo, kháng nghị là 30 ngày mà không có kháng cáo/kháng nghị thì bản án hình sự sơ thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật.
- Đối với bản án hình sự phúc thẩm, theo khoản 2 Điều 355 BLTTHS, bản án hình sự phúc thẩm sẽ có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
3.3. Bản án hành chính
Tương tự như đối với các bản án trong các lĩnh vực dân sự, hình sự, căn cứ Điều 215, 206, 213, 202 và 242 Luật tố tụng hành chính 2015, bản án hành chính sơ thẩm sẽ có hiệu lực khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị là 30 ngày mà không có kháng cáo/kháng nghị. Bản án hành chính phúc thẩm sẽ có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất